Bộ phim của một đạo diễn không chuyên nghiệp nhưng tràn đầy xúc cảm khiến người xem vừa xúc động vì bị truyền lan cảm xúc, vừa tiếc nuối.
Họ tiếc nuối bởi suy nghĩ: Giá có một kịch bản bài bản và những ý tưởng đạo diễn mang tính chuyên nghiệp thực sự, thì với nguồn xúc cảm mãnh liệt đang ngày càng hiếm hoi trong mọi lĩnh vực, dù là văn học nghệ thuật, bộ phim sẽ có thể tạo nên một hiệu ứng “để đời” nào đó, cho tên tuổi “gã du ca”, và sự nghiệp của cô gái 9X.
Phim ‘không có chuyện’ nhưng luôn cần kịch bản
Màu cỏ úa thuộc thể loại phim tài liệu, các tác giả có lẽ nhằm tới ý tưởng khắc họa một vài đường nét khả dĩ lý giải sức hấp dẫn kỳ lạ của người nghệ sĩ du ca đã chinh phục khán giả Việt suốt nửa thế kỷ!
Nhiều nhận xét ghi điểm cho cách làm phim không có chuyện, không dựng kịch bản trước của Màu cỏ úa, so sánh với thành công của một số bộ phim tài liệu khác như Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy.
Tuy nhiên, có lẽ cần phân biệt điều này: phim có thể có chuyện, có cốt truyện, hoặc không có chuyện, không có cốt truyện, nhưng luôn cần một kịch bản.
Hơi tiếc khi xem Màu cỏ úa, khán giả mới chỉ thấy cái rất thật, rất đời của tư liệu mà chưa nhận ra mạch dẫn của đạo diễn.
Xúc động mãnh liệt, nhưng sau cái xúc động bởi “chất Trần Tiến” trong mỗi khuôn hình, chưa nắm bắt được thông điệp chủ đạo của bộ phim: phim khắc họa chân dung nghệ sĩ trong các lĩnh vực của cuộc đời và nghệ thuật, hay chân dung nghệ sĩ qua mỗi chặng đường đời trong suốt nửa thế kỷ du ca, hay phim lý giải chất du ca, “chất Trần Tiến” trong thế giới âm nhạc của ông?
Tuy nhiên, nói trước những cái “giá như” cũng chỉ vì trân quý cái tâm huyết, xúc cảm, sự công phu, bền bỉ suốt 5 năm trời của các tác giả trong hành trình làm phim, trân quý nên muốn hướng tới sự hoàn hảo hơn. Còn thực sự, đây vẫn là bộ phim mang tới cho người xem những nỗi xúc động không thể kiềm chế.
Đó là giá trị tự thân của nguồn tư liệu chân thực, sống động, từ những video cũ tới những thước phim mới, từ những cảnh nhạc sĩ phải “biểu diễn” với dáng vẻ khá ngượng ngập, lúng túng, nhiều khi miễn cưỡng, tới những góc hình đời thường do đoàn làm phim “quay lén”.
Người xem vẫn nhận ra phần nào chân dung Trần Tiến, người nhạc sĩ tài hoa với những ca khúc làm say đắm lòng người từ ca từ tới giai điệu, tiết tấu; người nghệ sĩ du ca lãng mạn và rất đời với chất giọng trầm cuốn hút, với phong cách biểu diễn đậm chất ngẫu hứng, lãng tử, với sức cuốn hút đặc biệt toát ra từ nguồn năng lượng dường như luôn ứ tràn trong mỗi quãng tám, mỗi nét biểu cảm của gương mặt, ánh mắt, nụ cười, cái khoát tay, cúi người…
Thậm chí, có những động tác cơ thể mà với một số ca sĩ khác nhiều khi phản cảm, thậm chí dung tục bởi sự lạm dụng, cường điệu, nhưng lại đặc biệt duyên dáng bởi sự tự nhiên như lẽ đương nhiên phải thế đối với Trần Tiến.
Cái tình, ‘chất Trần Tiến’ và nỗi cô đơn
Nhưng làm nên “chất Trần Tiến” không chỉ có tài hoa, bởi tài thì nhiều người tài lắm, nhưng nguyên nhân để bao người, khi xem những thước phim về ông, nghe những ca khúc của ông, cứ luôn thấy rưng rưng, nghẹn ngào, chính là cái tình.
Có lẽ không quá lời khi mượn tứ thơ Kiều để nói về người nghệ sĩ du ca ấy: Tình “đành đòi một, tài đành họa hai”, chính cái tình rất thật, rất sâu, tình với người, với đời, cái tình vừa đằm lắng vừa phiêu lãng bay bổng, và sâu hơn, đó là nỗi cô đơn không tuyệt vọng luôn đồng hành cùng ông, giúp ông lớn lên, giúp làm nên cây “độc huyền cầm” duy nhất của âm nhạc Việt đã làm người nghe rưng rưng, cảm giác như ngọn gió mơ hồ chạm sâu vào phần mềm yếu nhất trong lòng mình.
Trần Tiến, trước hết là con người hồn nhiên như trẻ thơ mà sâu sắc như triết gia để “bắt” được khoảnh khắc trong vắt, thánh thiện của cô bé “mắt xoe tròn” trên cành me nghe lén tiếng đàn nghệ sĩ.
Một người tin rằng “Nghệ sĩ mà đánh mất đi sự hồn nhiên thì già thật, chết thật, chết ngay từ khi còn trẻ” lại có thể thấu được thân phận nhân dân trong hình ảnh chiếc kim giây của đồng hồ.
Chiếc kim giây mỏng mảnh, nhạt nhòa, cần mẫn, nhọc nhằn quay, và quay, để sau mỗi vòng quay của nó, kim giờ mới lười biếng và trì trệ, ì ạch và nghiêm trọng nhích đi một phần sáu mươi giờ – trong khi, nghĩ tới thời gian, người ta lại chỉ hỏi nhau: “Mấy giờ rồi?”.
Trần Tiến, suốt dọc chặng đường du ca, người ta luôn thấy ông cười, cười với ống kính, với khán giả, với bạn nhậu, bạn văn, cười với những người không quen biết mê nhạc của ông, nhận ra ông trên đường đi.
Nụ cười hiền hậu, chân thành, sảng khoái! Nhưng phim vẫn “bắt” được những khoảnh khắc lặng lẽ tới ngơ ngác của nhạc sĩ, hình như càng có tuổi, những khoảng lặng ấy càng dày lên.
Không hẳn là sự chậm dần theo quy luật tuổi tác, cũng không hẳn là những phút thâm trầm suy tưởng, tôi chỉ cảm thấy nhiều nhất nỗi cô đơn, có lẽ ông đang nhìn đâu đó vào cõi vô thức cô đơn của chính mình, cái nhìn cũng chỉ như vô thức, mơ hồ, lãng đãng giây lát, rồi lại giật mình tỉnh thức khi có ai đó gọi, hỏi, đưa trở về thực tại.
Quan sát ông trong những khoảng lặng thoáng qua ấy, nhiều khi tôi tự hỏi: liệu chính bản thân ông có nắm bắt được những điều đang diễn ra trong tâm trí mình khi ấy, hay cũng chỉ là giây lát của vô thức để cái cô đơn trong lòng trở nên cô đơn với chính lòng ông?
Vì nó thật!
Trước khi xem Màu cỏ úa rất lâu, mỗi lần nghe nhạc, nghe ca từ, đọc văn của ông, tôi đã luôn ngạc nhiên: tại sao một người đàn ông bụi bặm, ngang tàng, thậm chí có dáng vẻ nham nhở rất đời, lại là tác giả những ca từ ngọt ngào, trong trẻo, tinh tế đến thế, sáng tạo những giai điệu dịu dàng đến vậy?
Văn là người, nếu lọc qua cái tôi bụi bặm bên ngoài, ta sẽ cảm nhận được chất “người” nguyên sơ, nhạy cảm, thậm chí đa cảm, yếu mềm bên trong.
Tôi cho rằng có lẽ mỗi người phụ nữ, ở mọi lứa tuổi, đều nao lòng vì nỗi nhớ được gợi ra bởi người nhạc sĩ có vẻ ngoài thô nhám ấy, nỗi nhớ quê xa vời vợi, nhớ giấc mơ thầm kín thời thiếu nữ, nhớ người xưa…
Những nỗi nhớ ấy đã được đóng gói, niêm phong và khóa lại trong hộp kín, chìa khóa đã cẩn trọng và tiếc nuối ném xuống dòng sông trôi xuôi về quá khứ một đi không trở lại.
Phần lớn các giá trị chỉ có tính thời điểm, mọi cái đẹp đều sẽ tàn lụi, tình yêu nồng nàn sâu đậm mấy rồi cũng nhạt phai, nhất là các ngôi sao, luôn chỉ sáng một thời.
Quy luật này khiến tôi thêm một nỗi ngạc nhiên về thế giới âm nhạc của Trần Tiến, có thể nào khán giả Việt vẫn chưa thôi bị nhạc của ông cuốn hút, cám dỗ, chinh phục, tự thuở Mặt trời bé con, cho đến hôm nay, nhất là khi tham dự buổi chiếu ra mắt của phim Màu cỏ úa, nhìn các hàng ghế kín người, nghe những tràng vỗ tay tự phát sau mỗi câu nói hay bài hát, gương mặt xúc động của các khán giả khi đèn bật sáng.
Tôi cảm nhận niềm đồng cảm, quý trọng và thương mến sâu sắc của mọi người với chàng nghệ sĩ du ca cùng nhạc của ông.
Phải chăng, đó là điều mà ít nhiều các tác giả phim Màu cỏ úa đã lý giải được: tài năng mỗi người tựa như ngọn núi, núi cao sẽ có núi còn cao hơn; nhưng khi viết bằng tình yêu và nỗi cô đơn – những giá trị hầu như không bao giờ cũ, chỉ cần nó thật – những bài hát của ông chắc sẽ còn ám ảnh lâu lắm trong lòng người.
Vì nó thật!
TRỊNH THU TUYẾT – TuoitreOnline